Eurozone: Đức ra đi sẽ tốt cho tất cả

0

Với sự liên kết ngày càng lỏng lẻo, hàng loạt biện pháp tái cấu trúc không phát huy tác dụng cùng với sự ra đi của những thành viên yếu ớt, có lẽ đây là sự lựa chọn tối ưu nhất.

Vấn đề của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã lan tới Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực và rất có thể Italia sẽ là nạn nhân tiếp theo. Những lo ngại về hiệu ứng domino không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, tất cả những tranh luận dù tỏ ý đồng tình hay phản đối với sự ra đi của Hy Lạp đều thiếu đi điểm mấu chốt : Đức ra đi sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Sự ra đi của một quốc gia đơn lẻ và hùng mạnh sẽ không thể làm bất cứ ai hoảng sợ. Không còn sức mạnh xuất khẩu từ Đức, đồng euro sẽ giảm giá nhanh chóng. Tuy nhiên, euro sẽ không trở thành một đồng tiền không có chút giá trị nào như đồng drachma của Hy Lạp. Với đồng euro bị giảm giá, sự ra đi của Hy Lạp cũng chẳng có mấy ý nghĩa do đó cũng không kéo theo dòng tiền ồ ạt chạy ra khỏi các ngân hàng.

Hơn nữa, các nước khác còn được hưởng lợi. Đồng euro xuống giá giúp cải thiện sức cạnh tranh thương mại – điều mà giới quan sát cho rằng các nền kinh tế yếu ớt ở Nam Âu còn thiếu. Cán cân thanh toán của eurozone được cải thiện, giúp bổ sung số tiền cần thiết để có thể bù đắp nợ nước ngoài. Tất cả các thành viên đều có lợi, trái ngược với những gì đang diễn ra hiện nay, khi các nước yếu lần lượt ra đi và tạo áp lực lên những nước còn lại.

Sự ra đi của Đức không kéo theo sự ra đi của bất cứ nước nào. Hà Lan – một trong những nước khá hùng mạnh – sẽ không thể theo chân Đức bởi nếu làm như vậy họ mất đi lợi thế thương mại được tạo nên bởi đồng euro xuống giá. Đồng thời, nước này cũng phải mất quá nhiều chi phí để có thể đưa đồng nội tệ cũ quay trở lại.

Chắc chắn là vẫn sẽ có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay ví dụ như bong bóng bất động sản và hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha. Các chính phủ vẫn phải giải cứu hệ thống ngân hàng ngày càng sa lầy khi đồng euro xuống giá.

Đồng thời, Hy Lạp và các nước khác vẫn phải nhận sự trợ giúp từ các nước còn lại. Đức rời khỏi eurozone nhưng những lợi ích sống còn của nước này vẫn liên quan mật thiết đến sự tồn tại và thành công của nền kinh tế eurozone. Mặc dù kết quả thăm dò cho thấy hầu hết người Đức muốn đồng tiền cũ quay trở lại, họ không thể bỏ chạy một cách bình an vô sự. Với đồng euro xuống giá, hàng hóa của Đức trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.

Tuy không phải là “liều thuốc thần tiên” nhưng động thái mạnh mẽ này sẽ ngăn chặn được thảm họa đang cận kề. Sự ra đi của Đức ngày hôm nay sẽ đặt nền móng cho khối liên minh vững mạnh trong tương lai.

Theo TTVN/Bloomberg, CafeF

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.