Hệ thống tài chính Mỹ bộc lộ mắt xích yếu nhất

0

Nhiều người tự hỏi tình trạng hiện tại của hệ thống tài chính Mỹ sẽ kéo dài được bao lâu, khi điểm yếu nhất trong hệ thống ngày một bộc lộ rõ.

Các ngân hàng Mỹ bề ngoài còn khá khỏe mạnh, ít nhất là so với tình trạng thê thảm hiện tại của các ngân hàng khu vực đồng euro (eurozone). Câu chuyện về lãi suất Libor trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về chính trị cũng như quy định.

Trong khi các thị trường bị phân tâm bởi Libor, một cuộc chiến khác đang nổi lên, nhưng bị đa số mọi người bỏ qua, và đó cũng là mắt xích yếu nhất trong hệ thống – các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ. Mặc dù điều này không gây được sự chú ý như lãi suất Libor, song các nhà đầu tư nhất thiết phải để mắt tới trận chiến này, bởi nó có thể có ý nghĩa to lớn với nền tài chính rộng lớn hơn của thế giới.

Vấn đề là liệu khu vực quỹ tiền tệ thị trường trị giá 2,6 nghìn tỷ USD có thực sự dễ tổn thương tới mức có thể sụp đổ hay không? Trước năm 2008, một vài nhà quan sát từng đặt ra câu hỏi tương tự, bởi các quỹ này từ lâu vẫn bị coi là cực kỳ ế ẩm. Sau tất cả, nghĩa vụ duy nhất của các quỹ này là đầu tư vào các tài sản “an toàn” (như các loại trái phiếu được đánh giá cao) và trả lãi thấp. Thậm chí, nhiều người còn mặc định rằng các quỹ tiền tệ thị trường sẽ không bao giờ bị lỗ.

Tuy nhiên, một sự kiện năm 2008 đã làm tiêu tan tư tưởng đó: Lehman Brothers sụp đổ – một quỹ tiền tệ thị trường đầu tiên đã bị lỗ. Và đó là khởi đầu cho một cơn hoảng loạn. Điều đó cho thấy, khu vực quỹ tiền tệ thị trường Mỹ có điểm yếu chết người – một gót chân Asin, đó là: không giống như các tài khoản ngân hàng, các quỹ tiền tệ thị trường Mỹ không được bảo hiểm bởi bất cứ hình thức bảo hiểm tiền gửi nào, và các nhà đầu tư có thể lấy lại tiền của họ bất cứ lúc nào.

Điều đó đã tạo nên một vấn đề nan giải: Nếu quỹ tiền tệ thị trường có thể bị lỗ, các nhà đầu tư sẽ lập tức bỏ chạy càng nhanh càng tốt.

Tin tốt lành là cuộc khủng hoảng năm 2008 không phải dẫn đến sự sụp đổ của thị trường tiền tệ. Chủ yếu là nhờ chính phủ Mỹ đã ra tay can thiệp nhằm cung cấp công cụ hỗ trợ cho hệ thống. Kể từ đó, Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) đã đưa ra một số cải cách nhỏ: đó là ép các quỹ tiền tệ thị trường mua nhiều tài sản lưu động ngắn hạn hơn nhằm củng cố niềm tin của thị trường.

Tuy nhiên, tin xấu là chính phủ Mỹ đã quyết định cấm cung cấp thêm các công cụ hỗ trợ như trước kia. Và những thay đổi khiêm tốn này không giúp giải quyết triệt để vấn đề, trong khi đó các ưu đãi như trước kia đang đẩy các nhà đầu tư rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Kết quả là, việc kiểm soát các nhà quản lý quỹ tiền tệ thị trường trở nên vô cùng khó khăn. Điển hình như mùa hè năm ngoái, các nhà quản lý này ồ ạt bán phá giá tài sản khu vực châu Âu – một cách gây bất ổn tài chính điển hình.

Vậy có giải pháp nào cho vấn đề này? SEC, về phần mình, đưa ra hai ý tưởng cải cách: Họ muốn các quỹ tiền tệ này dự trữ tiền mặt để bù đắp những khoản lỗ và khai thác các giá trị tài sản lưu động cũng như để cảnh báo các nhà đầu tư rằng những khoản đầu tư như vậy không được phép đối xử như một tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, SEC hiện phải đối mặt với áp lực lớn từ ngành công nghiệp tài chính trước khi hiện thực hóa những ý tưởng này.

Các nhà quản lý quỹ lập luận rằng việc cải cách như vậy có khả năng gây phát sinh những chi phí mới cho quỹ và làm giảm lợi nhuận. Ngoài ra, điều đó còn làm cho các nhà đầu tư e ngại đổ thêm tiền vào các quỹ.

Những tranh cãi không hồi kết đó rốt cuộc chẳng mang lại kết quả nào khả thi. Bên cạnh đó, chẳng quan chức nào ở Washington muốn các quỹ tiền tệ thị trường bị thu hẹp, dù điều đó sẽ giúp hệ thống tài chính Mỹ ổn định hơn. Nguyên nhân đơn giản là phấn lớn tài chính của các công ty Mỹ và chính quyền tiểu bang đến từ các quỹ này. Tuy nhiên, cũng chẳng ai muốn chính phủ hỗ trợ thêm cho các quỹ này. Do đó, chẳng ai biết khi nào SEC mới đủ dũng khí để thực hiện những cải cách hợp lý để giải quyết “gót chân Asin” cho thị trường tài chính Mỹ.

Theo CNBC, Gafin

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.