Khủng hoảng sẽ tái diễn nếu không quyết liệt chỉnh đốn ngành ngân hàng

0

usd0407Cơn hoảng loạn mùa thu 2008 đã nhạt nhòa. Thời kỳ những bài học dễ tiếp thu còn thay đổi dễ thực hiện đã khép lại. Nếu không đổi thay triệt để, khủng hoảng nữa là chắc chắn.

Trong một bài phát biểu gần đây, Thống đốc FED Elizabeth Duke kể về một giai thoại sau khi Lehman Brothers sụp đổ tháng 9 năm ngoái.

Có người hỏi Chủ tịch FED Ben Bernanke: “Nếu chúng ta không làm gì thì nền kinh tế sẽ ra sao?”, ông trả lời: “Đến thứ 2 sẽ chẳng còn cái gọi là nền kinh tế nữa.” Thay vào đó, tất cả các định chế có tầm quan trọng đối với toàn hệ thống đều được cứu, bằng cách đổ mọi rủi ro lên vai người nộp thuế.

“Không bao giờ lặp lại” thì có lẽ khó mà thực hiện được. Nhưng ít nhất không thể xảy ra quá hai lần trong một thế hệ. Chính phủ không thể gánh nổi, về tài chính, chính trị và có lẽ cả đạo đức nữa: không thể hy sinh cuộc sống của quá nhiều người chỉ vì một thiểu số ngu ngốc.

Thứ còn lại sau cuộc khủng hoảng sẽ là một hệ thống tài chính còn tồi tệ hơn trước. Những tập đoàn tài chính khổng lồ sống sót được sẽ tạo thành một hệ thống độc quyền tập đoàn “quá lớn và quá gắn kết để sụp đổ”.

Họ chiến thắng vì tất yếu họ là các công ty tốt nhất, nhưng cũng vì họ được hỗ trợ nhiều nhất. Từ những động cơ để chấp nhận rủi ro, không khó tưởng tượng các định chế này giờ đang làm gì.

Vậy họ sẽ làm những gì? Những thay đổi quy định phù phiếm và vô ích. Một phần đề xuất gần đây của Bộ Tài chính Mỹ cũng vậy. Nhưng hệ thống tài chính cần được giải cứu ngay từ cách quản lý rủi ro sai lầm của nó. Không thể thay đổi bằng cách giám sát từ bên ngoài mà chỉ có thể thay đổi từ động cơ làm việc.

Bắt đầu từ những tập đoàn “quá lớn để sụp đổ”, chúng ta cần một hệ thống đáng tin để đặt dấu chấm hết cho những định chế tài chính thậm chí còn lớn hơn. Đề xuất hấp dẫn nhất là về các “ngân hàng tốt” theo đó những người cho vay không được bảo đảm trở thành cổ đông. Sẽ dễ dàng hơn nếu như Tổng thống Barack Obama và Thống đốc Ngân hàng Anh Mervyn King nói, một định chế được điều tiết lên kế hoạch ngừng dần các hoạt động của mình.

Ngân hàng sụp đổ cũng giống như xe buýt: có khi đợi cả giờ chẳng thấy chiếc nào, có khi lại đến thành hàng đoàn. Chính quyền không thể hứa chắc rằng họ đã chuẩn bị cho tất cả các định chế bị ảnh hưởng phá sản nếu cuộc khủng hoảng toàn hệ thống xảy ra. Điều đó chỉ làm mọi chuyện thêm loạn. “Quá lớn và quá gắn kết” là một thực tế, như Andrew Haldane tại NHTW Anh đã chỉ ra trong một phát biểu gần đây, hệ thống tài chính là một mạng lưới liên kết ngày một chặt chẽ.

John Kay lập luận rằng cách tốt nhất là tạo ra các “ngân hàng hẹp”, tuyệt đối an toàn, và để phần còn lại của hệ thống tài chính cứ hoạt động như mình muốn, kể cả phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Ý tưởng này tuy hấp dẫn nhưng thiếu thuyết phục. Hấp dẫn là đương nhiên nhưng thiếu thuyết phục một phần vì khó đồng thuận được xem ngân hàng hẹp sẽ hoạt động thế nào, quan trọng hơn là vai trò của phần còn lại của hệ thống tài chính và khó có chuyện chính phủ để chúng sụp đổ.

Nếu các định chế quá lớn và quá gắn kết để có thể sụp đổ, và không có một giải pháp cơ cấu gọn ghẽ nào thì phải tìm cách khác: yêu cầu số vốn lớn hơn và chú ý hơn tới tính thanh khoản. Hiện nay, các định chế tài chính lớn hoạt động mà gần như không có vốn: năm 2007 tại Mỹ, đòn cân nợ trung bình của các ngân hàng thương mại là 35:1; ở Châu Âu là 45:1.

Điều này khiến các cổ đông đồng ý làm ăn kiểu dốc túi mà kết quả là gì thì mọi người đều đã biết. Cho phép các định chế hoạt động vì lợi ích của cổ đông, những người chỉ bỏ ra có 3% vốn, là một hành động điên rồ. Cố gắn lợi ích của nhà quản lý với cổ đông thậm chí còn điên rồ hơn. Với cơ cấu vốn hiện nay, các định chế tài chính lớn đang đánh bạc bằng tiền nộp thuế của dân.

Vậy thì bao nhiêu vốn mới đủ cho các tổ chức có tầm quan trọng với toàn hệ thống? Câu trả lời là nhiều hơn hiện nay rất nhiều. Hơn nữa, số vốn yêu cầu cũng phải không được nhiều rủi ro và dựa vào mô hình ngân hàng hiện đã không thể tin tưởng được. Nguồn quỹ từ cổ đông cần chiếm tối thiểu 10% vốn. Ở Mỹ, tỷ lệ này từng cao hơn nhiều.

Thêm nữa, vốn lớn hơn là cách tốt để hấp thu những ảnh hưởng ngoại ứng tiêu cực, chính xác hơn là rủi ro mà một định chế tạo ra cho toàn hệ thống. Do đó, lý tưởng nhất là số vốn yêu cầu phải gắn liền với tầm quan trọng của định chế đó. Hơn nữa, vốn bắt buộc phải được đối chiếu với mọi hoạt động, dựa trên báo cáo kết toán tổng hợp đầy đủ.

Trong một hệ thống tài chính với nguồn vốn vững chắc, tương đối dễ thực hiện chế độ “cẩn trọng vĩ mô”, với số vốn bắt buộc tăng trong thời bùng nổ kinh tế và giảm khi suy thoái. Một lần nữa, phần vốn của cổ đông càng lớn, càng ít phải lo lắng xem phần thưởng cho các nhà quản lý có gắn kết với họ hay không. Kể cả vậy, các cơ quan điều tiết phải có biện pháp kiểm soát động cơ quản trị, vì người nộp thuế vẫn là người hứng chịu rủi ro cuối cùng.

Vẫn còn hai thách thức chính: thời kỳ quá độ và thay đổi quy định.

Về thời kỳ quá độ, yêu cầu tỷ lệ vốn cao hơn nhiều có thể đe dọa quá trình phục hồi, vì thế thời kỳ quá độ phải đủ dài, có lẽ phải lên tới một thập kỷ. Về quy định thì rõ ràng không thể để cái gọi là “hệ thống ngân hàng ngầm” họat động ngoài giới hạn vốn nếu nó có tầm quan trọng với toàn hệ thống, như trường hợp của các quỹ trên thị trường tiền tệ.

Hơn nữa, tỷ số vốn đáng lẽ phải được áp dụng ở tất cả các nước lớn. Nhưng nước Mỹ đủ thực lực để áp đặt quy định đó bằng cách yêu cầu tất cả các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ phải có số vốn thích hợp.

Nói tóm lại, muốn có hệ thống tài chính khỏe mạnh hơn thì việc đầu tiên là phải giảm đòn cân nợ. Nó sẽ phát huy hiệu quả tối đa nếu từ bỏ được thói quen vay nợ chính phủ khổng lồ

Hiện giờ, thay đổi dần dần một cách thận trọng chứ không phải cách tân triệt để mới là lựa chọn rủi ro. Và trước hết phải cải cách từ đâu? Câu trả lời đã rõ: động cơ làm việc.

Theo CafeF

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.