Ai lợi ai thiệt khi USD mất giá

0

Không ít người buồn nhưng khá nhiều người vui khi đồng USD giảm giá.

Kể từ năm 2002, đồng đôla đã mất 1/3 giá trị so với các đồng tiền khác. Điều này có vẻ như không tốt, nhất là với nhà xuất khẩu Nhật hay khách du lịch Mỹ, nhưng bù lại, người lao động Mỹ lại hồ hởi vui mừng.

Các chuyên gia đã nói nhiều về những tác động khi đồng đôla mất giá và ảnh hưởng của nó tới lòng tin vào nền kinh tế Mỹ sau hàng thập kỷ thâm hụt tương mại và đống nợ chính phủ khổng lồ.

Tuần trước, khi Tổng thống Obama triệu tập một hội nghị về thất nghiệp, đồng đôla yếu đã thực sự giúp tạo ra việc làm nhờ giúp hàng hóa Mỹ rẻ hơn ở nước ngoài.

“Tôi nghĩ chẳng công cụ nào lại mạnh như làm mất giá đồng đôla,” nhà kinh tế Kenneth S. Rogoff tại ĐH Havard nói. “Đó là một đòn kích thích ngắn hạn tốt. Toàn bộ ngành công nghiệp sẽ hài lòng nếu đồng tiền mất giá dần dần.”

Nhưng nhà xuất khẩu Mỹ chỉ được lợi đến thế. Một số nhà kinh tế nói hành động này đe dọa nền kinh tế trong dài hạn: doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ đồng đôla yếu mà không cần tăng chất lượng sản phẩm hay cải thiện năng suất. Khi đôla phục hồi, họ lại khó khăn.

Đồng đôla xuống giá “có thể làm chậm lại tốc độ phi công nghiệp hóa,” ông Rogoff nói. Mất giá quá mức có thể khởi động vòng xoáy tăng giá rồi tăng lương, tiền đề của lạm phát.

Ai lợi?

Nhà đầu tư: trước đây, cổ phiếu và đôla thường cùng giảm nhưng gần đây chúng lại biến động ngược chiều. Trong khủng hoảng tài chính, cổ phiếu giảm sâu trong khi đôla lại lên giá do đóng vai trò chỗ trú ẩn cho giới đầu tư.

Khi khủng hoảng đã qua, nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro hơn khiến cổ phiếu tăng. Họ cũng mua vào các đồng tiền khác khiến đôla giảm.

Các quốc gia giàu tài nguyên: nhiều hàng hóa cơ bản như dầu mỏ được định giá và thanh toán bằng đồng đôla. Khi đôla mất giá, giá hàng hóa cơ bản tăng. Đợt tăng giá dầu năm ngoái một phần là nhờ đồng đôla yếu.

Kết quả là cả đồng tiền lẫn nền kinh tế của các nước này đều mạnh lên. Tuy vậy một số sản phẩm xuất khẩu lại trở nên đắt đỏ.

Công nghiệp Hoa Kỳ: Đôla yếu đi, giá hàng hóa của Mỹ ở nước ngoài giảm nên doanh số và lợi nhuận đều tăng.

Tuy giá nguyên liệu thô và năng lượng nhập khẩu cũng tăng nhưng xuất khẩu tăng có thể giúp doanh nghiệp Mỹ cải thiện sản xuất.

Công nghiệp Trung Quốc: đồng Nhân dân tệ Trung Quốc được neo vào đôla, khi đôla mất giá, nó cũng mất giá theo.

Hàng hóa Trung Quốc bán ở nước ngoài đã rẻ nay lại càng rẻ hơn. Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng rất nóng, số việc làm tăng giúp che bớt bất ổn xã hội.

Ai thiệt?

NHTW Trung Quốc: Trung Quốc dự trữ nhiều đôla nhất thế giới: hơn 1 nghìn tỷ. Giá trị tài sản Trung Quốc nắm giữ cũng giảm mạnh khi đôla mất giá. Trung Quốc cũng có thể bán tháo đôla nhưng hành động đó chỉ làm tự mình lỗ thêm.

Công nghiệp các quốc gia khác: Hàng hóa của Nhật Bản, Châu Âu và các quốc gia khác (trừ Trung Quốc) trở nên đắt đỏ tại Mỹ.

Doanh nghiệp giảm doanh số tại Hoa Kỳ, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Đồng đôla mất giá đặc biệt đe dọa đến ngành xuất khẩu của Nhật.

NHTW các quốc gia khác: Giống như Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của họ cũng mất giá trị. Quan chức nhiều nước bóng gió rằng họ có thể bán tháo đôla, nhưng cho đến nay, đó mới chỉ là lời nói suông.

Người lao động Mỹ được mất những gì?

Có nhiều lý do để người lao động Mỹ vui mừng, nhất là khi cả chuyện nhà cửa lẫn tiền bạc đều tốt lên.

Đầu tiên, thị trường nhà đất sẽ ổn định hơn do đồng đôla kém hấp dẫn giới đầu tư trên toàn cầu nên những khoản đầu tư từng khiến thị trường nhà đất Mỹ trở nên bất ổn cũng không còn được ưa chuộng.

Thứ hai, do tình hình làm ăn của doanh nghiệp Mỹ được cải thiện nhờ đồng đôla yếu, thâm hụt thương mại giảm trong khi số việc làm lại tăng lên.

Cuối cùng, người lao động vẫn đủ tiền mua sắm nhờ hàng giá rẻ từ Trung Quốc vì đồng NDT được neo vào đồng đôla nên hàng hóa Trung Quốc vẫn không đắt thêm nếu đôla mất giá.

Tuy vậy, họ cũng không nên quá lạc quan vì không phải phía trước chẳng hề có rủi ro nào.

Thứ nhất, giá năng lượng nhập khẩu tăng đẩy giá thực phẩm tăng theo.

Thứ hai, đồng đôla có thể tiếp tục trượt giá gây áp lực lạm phát và đẩy lãi suất cho vay tăng.

Thứ ba, giá của hàng hóa từ Nhật và Châu Âu tăng cũng như đi du lịch nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn

Theo Dân Trí/Nytimes, CafeF

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.