Dow Jones giảm 1,8% trước áp lực chốt lời

0
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh phiên đầu tuần trước đà giảm điểm của cổ phiếu khối ngân hàng
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh phiên đầu tuần trước đà giảm điểm của cổ phiếu khối ngân hàng

Ngày 11/5, giới đầu tư đã tăng mạnh lượng bán cổ phiếu khối ngân hàng để chốt lời, khiến Phố Wall giảm điểm mạnh.Hôm thứ Hai, Nhà Trắng đã nâng mức dự báo đối với thâm hụt ngân sách liên bang thêm 89 tỷ USD trong năm tài khóa 2009, kết thúc ngày 30/9/2009.

Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tài khóa 2009 có thể lên 1,84 nghìn tỷ USD, tương đương 12,9% GDP năm 2008 – từ mức dự báo 1,75 nghìn tỷ USD được đưa ra trước đó (12,3% GDP).

Một quan chức của Nhà Trắng cũng nâng mức dự báo thâm hụt ngân sách năm tài khóa 2010 của Mỹ lên 1,26 nghìn tỷ USD, tương đương 8,55% GDP, tăng 87 tỷ USD so với mức dự báo 1,17 nghìn tỷ USD được đưa ra hồi tháng 2/2009.

Chuyển qua thông tin đáng chú ý nhất trong ngày, ba định chế tài chính của Mỹ hôm thứ Hai đã cho biết họ sẽ bán 5,55 tỷ USD giá trị cổ phiếu để có tiền hoàn trả khoản vay từ Chính phủ Mỹ hồi tháng 10/2008 trong “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP”.

Cụ thể, U.S. Bancorp sẽ bán số cổ phiếu trị giá 2,5 tỷ USD và phát hành trái phiếu trị giá 1 tỷ USD; Capital One Financial sẽ bán lượng cổ phiếu trị giá 1,55 tỷ USD và BB&T sẽ chào bán lượng cổ phiếu trị giá 1,5 tỷ USD.

Hồi tháng 10/2008, U.S. Bancorp đã vay Chính phủ Mỹ 6,6 tỷ USD; Capital One Financial vay 3,55 tỷ USD và BB&T vay 3,1 tỷ USD từ TARP. Kết thúc phiên, cổ phiếu U.S. Bancorp, Capital One Financial và BB&T giảm lần lượt là 9,93%, 13,53% và 7,56%.

Liên quan đến GMAC, tờ Washington Post vừa loan tin về việc GMAC có thể sẽ được nhận khoản vay hỗ trợ 7,5 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ trong tuần tới. Theo giới phân tích nhận định, đây có thể là một động thái quan trọng của Chính phủ Mỹ nhằm giúp ổn định hệ thống tài chính.

Trước đó, kết quả kiểm tra sức khỏe 19 định chế tài chính lớn nhất ở Mỹ đã cho thấy, GMAC phải tăng vốn thêm 11,5 tỷ USD.

Lịch sử có lặp lại?

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh phiên đầu tuần trước đà giảm điểm của cổ phiếu khối ngân hàng. Giới đầu tư đã tăng mạnh lượng bán cổ phiếu nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, sau khi thị trường đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Trong cả ngày giao dịch, chỉ số S&P 500 và Dow Jones không một lần vượt lên trên ngưỡng giá trị của phiên trước đó và chủ yếu chạy trong biên giảm từ -1% đến -2% so với phiên trước đó. Điều này cho thấy sức chống đỡ của thị trường phiên đầu tuần trở nên yếu ớt.

Cuộc kiểm tra sức khỏe 19 ngân hàng Mỹ cho thấy các ngân hàng phải tăng vốn ít hơn dự báo, tuy nhiên đà tăng đã được thể hiện rõ trong giá cổ phiếu của khối này (chỉ số KBW khối ngân hàng đã tăng gấp đôi kể từ ngày 9/3/2009) trước khi có báo cáo chính thức cuộc kiểm tra.

Do đó, việc cổ phiếu khối ngân hàng bị bán tháo trong phiên đầu tuần cũng không có gì ngạc nhiên, nhất là khi thị trường thiếu tin hỗ trợ như hôm thứ Hai.

Kết thúc phiên, chỉ số KBW khối ngân hàng giảm 7,1%, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase mất 8%, cổ phiếu Bank of America trượt 8,7%, cổ phiếu Citigroup hạ 4% và cổ phiếu Wells Fargo xuống gần 6%,…

Lúc này, giới phân tích lại đang đặt ra hoài nghi về khả năng lịch sử sẽ lặp lại ở Phố Wall khi chứng khoán Mỹ đã tăng 35% trong vòng gần 2 tháng qua, sau khi thị trường đã xuống “đáy” hôm 9/3/2009.

Diễn biến này gần giống những gì diễn ra trong quá khứ – thời Đại suy thoái kinh tế năm 1929, chứng khoán Mỹ mất 48% trong 2 tháng kể từ ngày 29/10/1929, rồi sau đó phục hồi 48% trong 6 tháng tiếp theo. Nhưng sau 2 năm, Dow Jones lại giảm tới 86% so với thời kỳ đạt đỉnh được thiết lập ngày 3/9/1929.


Biểu đồ diễn biến của chứng khoán Mỹ ngày 11/5 – Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 11/5: chỉ số Dow Jones mất 155,88 điểm, tương đương -1,82%, chốt ở mức 8.418,77.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 7,76 điểm, tương đương -0,45%, chốt ở mức 1.731,24.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 19,99 điểm, tương đương -2,15%, đóng cửa ở mức 909,24.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,49 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,51 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu mất điểm thì có 5 cổ phiếu lên điểm.

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Ba: Công bố số liệu về cán cân thương mại của Mỹ; số liệu về ngân sách liên bang; kết quả kinh doanh của Nissan.

Thứ Tư: Công bố doanh thu bán lẻ; giá nhập khẩu hàng hóa; Hạ viện Mỹ nghe giải trình của AIG; kết quả kinh doanh của tập đoàn bán lẻ Macy’s.

Thứ Năm: Công bố số liệu về chỉ số giá nhà sản xuất (PPI); báo cáo về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; Hạ viện nghe giải trình của ngành công nghiệp bảo hiểm Mỹ; kết quả kinh doanh của Wal-Mart.

Thứ Sáu: Công bố số liệu về CPI; sản xuất công nghiệp, chỉ số niềm tin người tiêu dùng.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm vì khối ngân hàng

Các chỉ số chứng khoán của thị trường châu Âu đã duy trì sắc đỏ trên bảng giao dịch điện tử đến hết ngày giao dịch. Hành động chốt lời đã được thực hiện mạnh mẽ trong phiên này, sau khi thị trường đã tăng điểm lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng là tâm điểm của phiên đầu tuần khi dẫn đầu về biên độ giảm điểm. Cổ phiếu Standard Chartered, Nordea Bank, Banco Santander và Societe Generale đã giảm từ 0,5-6,8%.

Giá dầu tại thị trường châu Âu giảm 1,3%, nên đã đẩy cổ phiếu khối năng lượng như BG Group, BP, Royal Dutch Shell và Total giảm từ 1-2,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 26,59 điểm, tương đương -0,6%, chốt ở mức 4.462,09. Khối lượng giao dịch đạt 2,78 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức mất 0,96%, khối lượng giao dịch đạt 31 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 1,93%, khối lượng giao dịch đạt 157,5 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á giảm điểm phiên đầu tuần

Ngày 11/5, phiên điều chính giảm đã diễn ra trên hầu khắp các thị trường khu vực sau khi đã tăng mạnh trong tuần trước.

Trong phiên giao dịch này, thị trường ghi nhận phiên giảm điểm với biên độ từ 0,23-3,22% ở thị trường Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Australia. Trong khi đó, sắc xanh vẫn hiện diện trên bảng điện tử với biên độ tăng không đáng kể của thị trường chứng khoán Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc.

Tại thời điểm thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa ngày giao dịch, các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ như Dow Jones, S&P 500 lại giảm khoản 1% trước lo ngại nhà đầu tư sẽ chốt lời trong phiên giao dịch hôm thứ Hai, sau khi thị trường đã tăng điểm nhiều phiên trước đó.

Thị trường chứng khoán Nhật đã tăng nhẹ nhờ đà tăng điểm của cổ phiếu khối tài chính, trong đó, cổ phiếu Nomura Holdings tăng 2,6%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group tiến thêm 2,9%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 19,15 điểm, tương đương 0,2%, chốt ở mức 9.451,98.

Chuyển qua thị trường khác, ngày 11/5, cơ quan thống kê Trung Quốc đã cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4/2009 đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,2% trong tháng 3.

Như vậy, giá thực phẩm (giảm 1,3%), hàng hóa cơ bản suy giảm là nguyên nhân chính khiến CPI của Trung Quốc giảm tháng thứ ba. Trước đó, cơ quan thống kê nước này cho biết chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 4/2009 đã giảm 6,6%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite phiên này giảm 45,9 điểm, tương đương 1,75%, chốt ở mức 2.579,75.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,97%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến mất 3,22%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ hạ 1,57%. Chỉ số ASX của Australia xuống 0,23%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 1,74%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc nhích 0,21%.

 



Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.574,65 8.418,77 Down155,88 Down1,82
Nasdaq 1.739,00 1.731,24 Down    7,76 Down0,45
S&P 500 929,23 909,24 Down  19,99 Down2,15
Anh FTSE 100 4.462,09 4.435,50 Down  26,59 Down0,60
Đức DAX 4.913,90 4.866,91 Down  46,99 Down0,96
Pháp CAC 40 3.312,59 3.248,67 Down  63,92 Down1,93
Đài Loan Taiwan Weighted 6.572,87 6.647,50 Up  63,63 Up0,97
Nhật Nikkei 225 9.432,83 9.451,98 Up  19,15 Up0,20
Hồng Kông Hang Seng 17.389,87 17.087,95 Down301,92 Down1,74
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.412,13 1.415,16 Up    3,03 Up0,21
Singapore Straits Times 2.238,21 2.166,10 Down  72,11 Down3,22
Trung Quốc Shanghai Composite 2.625,65 2.579,75 Down  45,90 Down1,75
Ấn Độ BSE 30 11.876,43 11.689,70 Down186,73 Down1,57
Australia ASX 3.919,60 3.910,50 Down    9,10 Down0,23
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomber

Theo VnEconomy

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.