Chứng khoán thế giới thận trọng trước nỗi lo lạm phát

0

Các thị trường chứng khoán quốc tế tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch ngày 14/4, khi những nỗi lo về tăng trưởng bị đình trệ trong lúc lạm phát leo thang tiếp tục áp đảo tâm lý của giới đầu tư chứng khoán.

Tại Mỹ, chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 14,16 điểm (+0,12%) lên 12.285,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11 điểm (+0,01%) lên 1.314,52 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,3 điểm (-0,05%) xuống 2.760,22 điểm.

Khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 6,91 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu trong năm 2010.

Trên sàn New York, số cổ phiếu tăng điểm áp đảo số giảm điểm, với tỷ lệ 1.600 / 1.358, còn ở sàn Nasdaq, 1.455 cổ phiếu tăng điểm với 1.121 mã giảm điểm.

Phiên hôm qua, thị trường Mỹ đón nhận một số thông tin kinh tế bất lợi, bao gồm thất nghiệp bất ngờ tăng khiến nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi của thị trường việc làm. Trong khi, chỉ số giá sản xuất lõi tăng nhanh hơn dự báo trong tháng 3, do giá năng lượng tăng mạnh, làm tăng những lo lắng về lạm phát.

Thị trường bị tác động mạnh hơn, khi các chuyên gia kinh tế trong một cuộc điều tra dư luận đã hạ thấp dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Cụ thể, theo kết quả điều tra của hãng tin Reuters, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm từ mức 3,1% xuống còn 2,9%.

Thêm vào đó, việc cổ phiếu của hãng tìm kiếm trực tuyến Google bất ngờ giảm 5% xuống dưới 550 USD trong phiên giao dịch ngoài giờ, do lợi nhuận quý 1 của công ty này đạt thấp hơn dự báo của Phố Wall, đã đổ thêm dầu vào lửa.

Trong số các cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất hôm qua, đáng chú ý có cổ phiếu của hãng nước giải khát Coca-Cola tăng 1,5%, Kraft Foods tăng 1,7% và Merck & Co tăng 1,2%. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng tăng mạnh, khi dầu thô tăng giá hơn 1% lên trên 108 USD/thùng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hãng xe hơi Ford giảm 1,1% xuống 14,81 USD, sau khi công ty này đồng ý mở rộng đợt thu hồi mẫu xe bán chạy F-150. Cổ phiếu của Goldman Sachs giảm 2,7% xuống 155,79 USD, đồng thời kéo chỉ số S&P khu vực tài chính hạ 0,9%.

Ngược chiều với thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu đỏ lửa. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,78% xuống 5.963,8 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 0,89% xuống 3.970,39 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 0,44% xuống 7.146,56 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch ngày 14/4, sau khi có thông tin cho rằng lạm phát tháng 3 của Trung Quốc có khả năng tăng mạnh hơn dự báo của giới phân tích kinh tế.

Theo kênh truyền hình Phoenix của Hồng Kông, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của Trung Quốc có khả năng đạt mức tăng 5,3 – 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 4,9% trong tháng 2. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 32 tháng qua.

Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc giảm 0,25% xuống 3.042,64 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 0,5% xuống 24.014 điểm. Chỉ số Straits Times của thị trường Singapore hạ 0,41% xuống 3.158,92 điểm.

Ngược chiều, chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 0,9% lên mức cao kỷ lục 2.141,06 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản nhích nhẹ 0,13% lên mức 9.653,92 điểm. Chỉ số Taiex của thị trường Đài Loan tăng 0,9% lên 2.141,06 điểm

Nguồn: CNBC, Market Watch, Vneconomy

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.